Sự kết hợp điên rồ
Các chuyên gia đã bắt đầu nghĩ đến viễn cảnh Trung Quốc - động lực tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu, quay trở lại thị trường.
Dù các hạn chế COVID mới tái áp dụng ở Thượng Hải gây ra chút lo ngại, nhưng nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới vẫn đang phục hồi đáng kể sau trận chiến gần nhất với đại dịch.
Nếu phân tích của họ đúng, mùa hè năm nay sẽ rất khó khăn đối với người tiêu dùng nhiên liệu trên khắp hành tinh.
Chưa tính đâu xa xôi, hiện giờ người Mỹ đã phải chi tới 5 USD cho một gallon xăng, trong khi người Anh phải trả hơn 100 bảng (tương đương 125 USD) để đổ đầy xăng cho một chiếc ô tô bình thường.
Một xe chở dầu đi qua một mỏ do tập đoàn Chevron vận hành ở San Ardo, California. (Ảnh: Getty Images).
Chia sẻ với Bloomberg, ông Gary Ross - một nhà tư vấn năng lượng kỳ cựu và hiện đang làm quản lý quỹ phòng hộ tại Black Gold Investors, cho hay: “Tôi chưa bao giờ thấy sự kết hợp điên rồ này trong sự nghiệp hơn 50 năm qua của mình”.
“Công suất dự phòng dầu thô của thế giới trở nên eo hẹp, các nền kinh tế bên ngoài Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, Trung Quốc cũng sắp trở lại thị trường và chúng ta còn đang bị gián đoạn về nguồn cung”, ông Ross liệt kê.
Tuần này, các quan chức OPEC+ đã phát tín hiệu là họ không thể bơm quá nhiều dầu thô ra thị trường. Cùng lúc, các hạn chế tương tự đối với công suất lọc dầu càng khiến người tiêu dùng đau đầu, khi mà giá xăng tăng còn mạnh hơn giá dầu thô.
Mặt khác, nhiều quốc gia đã công bố cấm vận đối với Nga, một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới sau cuộc tấn công của Moscow vào nước láng giềng Ukraine.
Giá dầu thô có thể vượt đỉnh cũ
Đa phần Phố Wall đều tin rằng giá xăng dầu sẽ tiếp tục đi lên. Goldman Sachs dự đoán giá dầu Brent sẽ đạt đỉnh 140 USD/thùng trong những tháng tới.
Morgan Stanley cảnh báo giá “vàng đen” có thể cao hơn cả mức lạc quan nhất của ngân hàng này là 150 USD/thùng. Kỷ lục của dầu Brent là 147,5 USD/thùng, xác lập vào tháng 7/2008.
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) ước tính mức tiêu thụ dầu mỏ của nước này có thể tăng 12% trong quý III. Ngân hàng Quốc tế Trung Quốc (BOCI) thì dự kiến nhu cầu sẽ phục hồi khiêm tốn trong quý III và phải đến quý IV mới bật tăng mạnh.
Ông Amrita Sen, trưởng bộ phận phân tích dầu mỏ tại hãng tư vấn Energy Aspects, cho hay: “Giá dầu thô đang ở mức 120 USD mà không có sự trợ giúp của Trung Quốc. Vì vậy nếu thị trường tỷ dân trở lại, giá dầu chắc chắn sẽ tăng cao hơn”.
“Ngay cả khi giá cao như vậy, nhu cầu vẫn đi lên, vì người dân thế giới muốn đi du lịch, muốn tận hưởng các kỳ nghỉ. Thứ hai nữa là chính phủ các nước cũng đang trợ giá dầu nên mức tiêu thụ mới ổn định như thế”, ông Sen nói thêm.
Nga là nhà cung ứng chính của các sản phẩm tinh chế, đặc biệt là dầu diesel. Giá bán buôn diesel ở châu Âu đang ở khoảng 170 USD. Mức chênh lệch giữa dầu diesel và xăng so với dầu thô đã chạm mức kỷ lục trong năm nay ở cả Mỹ và châu Âu. Dự trữ nhiên liệu sẽ xuống thấp vào mùa hè.
Không còn công suất lọc dầu
Một số nhân vật nổi tiếng trên thị trường dầu mỏ đã thông báo rằng thế giới hiện không có đủ công suất lọc dầu, theo Bloomberg.
Tại một sự kiện đầu tuần này, ông Amos Hochstein - cố vấn cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ về an ninh năng lượng, nói rằng việc đầu tư quá ít vào lĩnh vực năng lượng và xu hướng giảm công suất lọc dầu là những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng thiếu nhiên liệu.
Quan điểm của ông Hochstein có phần trùng lặp với Bộ trưởng Bộ Năng lượng Arab Saudi. Hiện, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang kêu gọi ngành công nghiệp lọc dầu tại Mỹ phải khôi phục lại các nhà máy đã tạm ngừng hoạt động trước đây.
Ở một sự kiện khác, Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo cho biết chỉ có hai hoặc ba thành viên của nhóm này có khả năng nâng sản lượng trong thực tế.
Tất cả những điều trên có nghĩa là, dù OPEC và các đồng minh có cam kết tăng sản lượng trong các tháng tới, thì không có nhiều dấu hiệu chứng tỏ đà tăng vũ bão của giá dầu thô có thể dừng lại.
Đối với người tiêu dùng, xu hướng trên đặc biệt rủi ro, nhất là trong mùa hè năm nay, khi mà mức tiêu thụ các sản phẩm tinh chế đang dần đi lên nhờ nhu cầu đi lại và việc sử dụng điều hòa không khí để làm mát.
UAE cũng tỏ ra thất vọng về nguồn cung mà các nhà sản xuất khác có thể bổ sung vào thị trường. Nước này đã đưa ra một cảnh báo rất tối tăm rằng một mùa hè dài đằng đẵng đang chờ người tiêu dùng ở phía trước.
“Hãy nhớ rằng Trung Quốc vẫn chưa trở lại thị trường”, Bộ trưởng Bộ Năng lượng UAE Suhail Al-Mazrouei cho hay. “Nếu chúng ta tiếp tục tiêu thụ xăng dầu với tốc độ hiện tại, thì nhu cầu vẫn chưa đạt đỉnh đâu, vì Trung Quốc vẫn chưa trở lại”.